Sống Khỏe Sống Đẹp

SỐNG KHỎE SỐNG ĐẸP

Sống Khỏe Sống Đẹp songkhoesongdep.ad@gmail.com
Sống Khỏe Sống Đẹp 0386362462

Mười pháp châm cứu trị đau của Gs Quốc Y Đại Sư Hạ Phổ Nhân

Tại nơi châm có những biến đổi: tổ chức tại nơi châm bị tổn thương sẽ tiết ra histamin, acetylcholin, catecholamin, nhiệt độ ở da thay đổi, bạch cầu tập trung gây phù nề tại chỗ, các phản xạ đột trục làm co giãn mạch máu. Tất cả những kích thích trên tạo thành một kích thích được truyền vào tuỷ lên não, từ não xung động được đến các cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ mới.

A/. Ba nguyên tắc trong châm cứu điều trị đau.

1. Bất thông tắc thống, thông tắc bất thống


Cổ nhân theo phương diện bệnh cơ nhận định Tạng phủ, Kinh lạc, Khí huyết trong cơ thể không thông là nguyên nhân căn bản dẫn đến Đau nhức, do đó trong pháp điều trị cần phải sơ thông kinh lạc, điều hòa Tạng phủ để làm cho Khí huyết được thông điều, đau nhức sẽ hết. Điều này đặt ra các câu hỏi sau đây:

Nguyên nhân làm cho Khí huyết bất thông là gì? Tạng phủ, kinh lạc nào khí huyết bất thông? Điều này rất quan trọng trong điều trị Đau nhức, đây là tổng kết 10 pháp châm cứu điều trị căn nguyên đau của Quốc Y Đại Sư - Hạ Phổ Nhân.

2. Điều trị đau nhức, nên chọn những chỗ giao hội của Kinh Lạc

Đau nhức do bệnh ở Kinh lạc, nên chọn những bộ vị tương ứng với nơi bị đau, chọn những huyệt vị ở nơi giao hội Kinh lạc để điều trị. Nói cách khác, nếu bạn muốn trị Đau nhức, điều quan trọng là phải nắm rõ sự tuần hành và phân bố của Kinh lạc. Cổ nhân cũng đã có những chỉ dạy rất cụ thể, như Kinh lạc bị đình trệ hãy tìm đến Nguyên huyệt, Biệt huyệt, Giao huyệt, Hội huyệt. Vậy nên đó là do Kinh lạc trở trệ, khí huyết không thông mà dẫn đến đau nhức, có thể chọn Nguyên huyệt, Lạc huyệt, Giao hội huyệt của kinh lạc để điều trị. Đó là những nguyên tắc điều trị đau nhức do bệnh ở Kinh Lạc.

3. Tạng phủ bệnh nên tìm ở huyệt Môn, Hải, Du, Mộ.

Tạng phủ khí huyết bất điều, thì dùng những huyệt có chữ Môn, như: Kì Môn, Chương Môn, hoặc chữ Hải, như: Khí Hải, Huyết Hải, hoặc những Du huyệt, Mộ huyệt của Ngũ tạng Lục phủ để điều trị, thông qua những huyệt này để điều hòa Tạng phủ, Khí huyết, đạt được hiệu quả trị Đau nhức có nguyên nhân do Tạng phủ bị bệnh. Đau nhức thường gây ảnh hưởng đến tinh thần của con người, bệnh nhân có triệu chứng: Phiền táo, ngồi nằm bất an, mất ngủ. Đây là đau nhức ảnh hưởng đến Thần minh và tạng Tâm của bệnh nhân. Ngoài ra còn có Đau nhức kèm theo Ung nhọt (Sang dương), sưng đỏ (Hồng thũng) mà lại Phiền táo, đó là đau nhức ảnh hưởng đến huyết mạch, mà tạng Tâm chủ huyết mạch, chủ Thần minh, đồng thời ảnh hưởng đến công năng của tạng Tâm, do đó, mục Bệnh Cơ Thập Cửu Điều trong thiên Chí Chân Yếu Đại Luận sách Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn có viết: “Chư thống dương sang, giai thuộc vu Tâm – Các chứng đau nhức, ung nhọt đều thuộc ở tạng Tâm”. Theo nguyên tắc này, trong điều trị đau nhức, bất kể do Tạng phủ hay Kinh lạc, chỉ cần bệnh nhân có các triệu chứng như: Ngồi nằm bất an, tinh thần phiền táo, mạch Sác, tiểu tiện nước vàng, đều kết hợp với pháp thanh Tâm, dùng các huyệt như: Đại Lăng, Gian Sử, Tâm Du; các dược vị như: Sinh Địa, Mộc Thông, Trúc Diệp, sinh Cam Thảo, Liên Kiều, Hoàng Liên đều đạt được kết quả tốt.

B/. Mười pháp châm cứu trị Đau nhức.

1. Sơ phong chỉ thống pháp:

Phong là dương tà, tính chủ sơ tán, cảm nhiễm vào con người ở cơ biểu, do vinh vệ thất điều, làm cho đau nhức, pháp điều trị phải Sơ tán phong tà, điều hòa vinh vệ. Dùng huyệt Phong Trì, Phong Phủ, Phong Thị. Huyệt Phong Trì có thể khư phong giải biểu, huyệt Phong Phủ khư phong thanh Thần, huyệt Phong Thị khư phong thông lạc. Pháp điều trị này chủ yếu trị ngoại phong, đau nhức có thể di chuyển khắp toàn thân, đặc điểm của Phong là không đau 1 điểm cố định, những người hay ra mồ hôi, mạch Hoãn, đau đầu, đau lưng, đau nhức chân tay, những người mắc ngoại phong có thể dụng phương pháp này được.

2. Tán hàn chỉ thống pháp:

Hàn là âm tà, tính chủ thu dẫn, cảm nhiễm vào con người ở bì mao, do thấu lí thu súc (thu rút), kinh lạc thất sướng làm cho đau nhức, pháp điều trị phải Tán hàn thông lạc, hành khí chỉ thống. Dùng huyệt Đại Trùy, Hậu Khê, Côn Lôn. Huyệt Đại Trùy nằm trên Đốc mạch, là nơi hội tụ của thủ túc Tam Dương kinh, có thể trợ dương tán hàn. Huyệt Hậu Khê là nơi giao hội của Bát mạch, có thể thông Đốc mạch. Huyệt Côn Lôn thuộc kinh túc Thái Dương Bàng Quang đi dọc theo lưng đi từ trên xuống dưới qua các huyệt Giáp Tích, hàn tà khi cảm nhiễm vào người, sẽ xâm phạm vào kinh Thái Dương đầu tiên. Ba huyệt này cộng vào có công hiệu tuyên tán hàn tà, hành khí chỉ thống.

3. Khư thấp chỉ thống pháp:

Thấp tà bám dính, làm cho dịch trở khí cơ, ứ trệ tại thượng tiêu thường thấy váng đầu, hoa mắt, đầu nặng như bị bó lại, ứ trệ lại ở bên trong người, thường thấy tức ngực, bụng trướng. Thấp tà lưu ở tứ chi sẽ làm cho sưng đau, pháp điều trị nên khu thấp, tiêu thũng, chỉ thống. Dùng huyệt: Trung Quản, Túc Tam Lí, Tam Âm Giao. Huyệt Trung Quản, Tam Âm Giao có thể khư thấp kiện Tì, huyệt Túc Tam Lí có thể thăng thanh giáng trọc, tiêu thũng khư Thấp. Ba huyệt này cộng lại có công hiệu kiện Tì, hành khí, khư Thấp, thông lạc, chỉ thống.

4. Hành khí chỉ thống pháp:

Khí trệ tắc thống, cổ nhân có thuyết: “Hình thương thũng, khí thương thống”, cho rằng khí trệ, thứ nhất là do Can khí uất kết, thứ hai là do suy tư quá độ làm cho khí kết, pháp điều trị nên sơ Can, hành khí, chỉ thống. Dùng huyệt Can Du, Kì Môn, Dương Lăng Tuyền. Huyệt Can Du, Kì Môn là phối huyệt Du, huyệt Mộ của kinh Can, có thể sơ Can, lí khí, chỉ thống. Dương Lăng Tuyền là huyệt hợp ở kinh Đởm, có thể sơ Can lợi Đởm. Phối các huyệt trên có thể điều trị Hung thống, Hiếp thống, Vị khí thống, Tứ chi tẩu chú đông thống.

5. Hoạt huyết chỉ thống pháp:

Bị sang chấn tổn thương, khí trệ huyết ứ, ứ huyết làm tắc trở Lạc mạch gây đau nhức, nặng thì đau buốt, đau có lúc nhất định, ngày nhẹ đêm nặng, pháp điều trị nên Hoạt huyết hóa ứ, hành khí chỉ thống. Dùng huyệt Xích Trạch, Uỷ Trung, Cách Du. Nếu tay và nửa người trên ứ trở, thường dùng huyệt Xích Trạch để hành huyết; nếu chân và nửa người dưới ứ trở thường dùng huyệt Uỷ Trung để hành huyết; Cách Du (huyệt Hoành Cách Mô) thuộc kinh Bàng Quang là huyệt hội của Huyết. Ba huyệt có công hiệu hoạt huyết hóa ứ, huyết ứ tại chỗ thì phối hợp thêm các huyệt gần đó.

6. Ôn trung chỉ thống pháp:

Trực trúng Hàn tà hoặc do nội sinh, thường sinh chứng đau vùng bụng, pháp điều trị cần phải Ôn trung tán hàn, hành khí chỉ thống. Như các chứng Vị Quản thống, Phúc thống, thống kinh do Hàn đều có thể dùng. Dùng huyệt Trung Quản, Khí Hải, Tì Du. Cứu ngải các huyệt Trung Quản, Khí Hải có thể ôn dưỡng Trung và Hạ tiêu, tán hàn hành khí. Huyệt Tì Du kết hợp dùng Châm cứu có tác dụng Ôn vận Tì dương, tán hàn hành khí chỉ thống.

7. Tiêu đạo chỉ thống pháp:

Thực trệ ở trung tiêu hoặc đình trệ ở Trường Vị, thường dẫn đến tiện bí, trướng bụng, đau bụng, có đàm, nuốt chua, cho nên cần phải tiêu đạo thực tích, thông Tràng đạo trệ làm cho Phủ khí thông sướng, các triệu chứng sưng đau có thể khỏi. Dùng huyệt Trung Quản, Thiên Xu, Túc Tam Lí. Huyệt Trung Quản điều Vị, huyệt Thiên Xu thông Tràng, huyệt Túc Tam Lí có thể thăng cũng có thể giáng, thông phủ làm cho đi xuống, tăng cường công năng vận hóa của Vị, Tràng, thức ăn tích thể có thể được đào thải ra ngoài, chứng Đau bụng có thể được tiêu trừ.

8. Dưỡng huyết chỉ thống pháp:

Sau phẫu thuật có xuất huyết hoặc sau khi sinh đẻ mất huyết quá nhiều, thường dẫn đến cân mạch mất sự nuôi dưỡng làm cho đau nhức, có lúc đau nhức di chuyển không cố định một chỗ, pháp điều trị chủ yếu là Dưỡng huyết, vinh cân, chỉ thống. Dùng huyệt Can Du, Tì Du, Dương Lăng Tuyền. Can tàng huyết, Tì thống huyết. Huyệt Can Du điều Can huyết làm cho sung dưỡng Cân mạch, huyệt Tì Du ích Tì làm cho ăn uống được sẽ sinh huyết. Huyệt Dương Lăng Tuyền là huyệt hội của kinh Cân, có thể thư cân, lợi tiết, chỉ thống. Ở những vị trí đau nhiều có thể phối hợp thêm những tổ hợp huyệt ở lân cận.

9. Thanh nhiệt chỉ thống pháp:

Các chứng Đau nhức ung nhọt đều thuộc Tâm hỏa. Hỏa tà nhiệt thịnh, cơ phu thũng trướng, huyết ứ trệ nhất định sẽ gây ra đau nhức, biểu hiện viêm nhiễm như: Sưng, nóng, đỏ, đau. Dùng huyệt Thập Tuyên, Đại Lăng, Phong Long. Huyệt Thập Tuyền làm cho hành huyết, tả nhiệt tà ở Tạng Phủ, huyệt Phong Long thuộc kinh túc Dương Minh Vị có thể tả nhiệt tà ở lục phủ. Nhiệt được trừ, thũng trướng tiêu, kinh mạch thông hành, đau nhức tiêu tán.

10. Bổ thận chỉ thống pháp:

Thận chủ cốt, Can chủ cân. Can Thận khuy tổn làm cho đau nhức xương khớp. Ngoại nhân cảm nhiễm Hàn tà thì chứng đau nhức càng nặng. Pháp điều trị nên bổ Can Thận, cường cân cốt, Thận khí sung thực thì xương khớp sẽ không bị đau nhức. Dùng các huyệt kinh Can, Thận, Thái huyệt, Đại huyệt. Can tàng huyết, Thận tàng tinh. Tinh huyết khuy tổn, cân cốt thất dưỡng thường dẫn đến Lưng, gối đau nhức. Nếu kiêm thấy các chứng hoa mắt chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực, mất ngủ, mạch Trầm Tế Huyền có thể dùng pháp điều trị này.

(Bài viết được trích từ cuốn sách “Quốc Y Đại Sư Hạ Phổ Nhân dạy Tôi phương pháp Châm cứu” tác giả: Vương Hồng Vĩ, Tạ Tân Tài, Vương Qúy Xuân).

Bản dịch của Hồ Xuân Đức – Cổ Nguyệt Đường.
Hiệu đính Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

Đông Y